Hội chợ làng nghề Việt Nam

 Với 150 gian hàng, hội chợ là nơi tập trung các làng nghề, phố nghề, các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ.

Tối 17/11, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khai mạc hội chợ làng nghề Việt Nam với chủ đề "Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề Việt Nam hướng tới mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm hay mỗi làng một sản phẩm – OCOP".

Với 150 gian hàng, hội chợ là nơi tập trung các làng nghề, phố nghề, các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn.

Để phục vụ cho khách tham quan, mua sắm, hội chợ được phân chia thành các khu gian hàng trưng bày và tôn vinh các làng nghề truyền thống như mỹ nghệ kim hoàn; gốm sứ, pha lê thuỷ tinh; điêu khắc chạm khảm; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm…


Đặc biệt, với chủ đề "Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề Việt Nam hướng tới mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm hay mỗi làng một sản phẩm - OCOP", khu gian hàng của các địa phương, doanh nghiệp sẽ trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, còn có khu trình diễn do các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công giỏi đến từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng trong cả nước trình diễn, chế tác sản phẩm ngay tại hội chợ như: nón chuông Thanh Oai - Hà Nội, dát vàng Quỳ Thôn Kiêu Kỵ, dệt lụa Hà Đông (Hà Nội), mây tre đan Thừa Thiên Huế, dệt thổ cẩm Hà Giang…


Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động; trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Làng nghề tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.


Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kỳ vọng, qua hội chợ các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp sẽ quảng bá, phát huy được giá trị của làng nghề, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, từng bước khắc phục các hạn chế trong phát triển thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi giá trị làng nghề, từ đó bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống và ngành nghề mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ hội chợ, ngày 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức "Hội thảo quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thị trường xuất khẩu rộng lớn cho sản phẩm mây tre đan